Người cao tuổi là nhóm có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao. Vì vậy, cần tuân thủ những quy tắc sống lành mạnh để bảo vệ sức khỏe của mình. 80% trường hợp tử vong của Covid-19 là người cao tuổi. Đối với những người cao tuổi có sức đề kháng kém, đặc biệt là những người có bệnh lý cơ địa như tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp… nếu nhiễm Covid-19 thì bệnh sẽ nặng hơn và nguy cơ tử vong cao hơn. Vì vậy, việc chủ động phòng bệnh cho người dân trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 là vô cùng quan trọng.
Hạn chế đi đến nơi đông người
Người cao tuổi nên đặc biệt hạn chế việc ra khỏi nhà nếu không cần thiết. Người cao tuổi thường có sức đề kháng kém hơn, đa số sẽ mắc một số bệnh lý nền như bệnh tim mạch (huyết áp cao, bệnh mạch vành,…), bệnh phổi (hen phế quản, phổi mạn tính,…), bệnh đái tháo đường. Nếu không may bị nhiễm virus Corona thì rất dễ diễn biến nặng và nguy cơ tử vong rất cao. Nếu phải ra ngoài cần bắt buộc phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2m với người khác và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn nhanh.
Cần tránh xa các nguồn lây nhiễm, giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng sạch. Cần giữ ấm, đeo khẩu trang khi phải tiếp xúc ở chỗ đông người, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn. Ngoài ra, không nên dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn mặt, bàn chải đánh răng, cốc uống nước,…
Bổ sung đầy đủ nước và chất dinh dưỡng trong một ngày
Người cao tuổi cần giữ ấm cơ thể để tránh những bệnh về đường hô hấp, bổ sung từ 1,2 đến 1,8 lít nước mỗi ngày. Không sử dụng đồ uống kích thích, đặc biệt là rượu, bia, thuốc lá. Người cao tuổi cần tăng cường dinh dưỡng để duy trì một hệ miễn dịch khỏe mạnh, phòng chống dịch bệnh. Các bữa ăn hàng ngày phải đảm bảo cung cấp đủ thành phần các chất như chất đạm, chất béo lành mạnh.
Bên cạnh đó, cần cung cấp đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết, như vitamin A; C; D; E; Sắt; Kẽm, đây là những chất quan trọng góp phần tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Một số loại thực phẩm chứa các chất giúp tăng cường miễn dịch như: tỏi, nghệ, sả, nấm, trà xanh, sữa chua,…Đặc biệt cần ăn chín, uống sôi để tránh nhiễm khuẩn từ thực phẩm.
Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng giúp nâng cao sức đề kháng và hệ miễn dịch cho người cao tuổi trong mùa dịch Covid-19. Ngoài chế độ dinh dưỡng dành cho các bệnh lý mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp… để phòng chống đợt dịch bệnh này, người cao tuổi phải ăn uống đủ chất. Đủ chất ở đây là đảm bảo được các chất dinh dưỡng nhiều Kalo, năng lượng như đạm, mỡ… để cung cấp năng lượng cho bệnh nhân chống đỡ với bệnh tật. Ngoài ra, các chất vi lượng như vitamin, chất khoáng cũng phải cung cấp đủ, đồng thời, phải uống đủ nước.
Thường xuyên vận động
Người cao tuổi cần duy trì tập luyện các bài tập thể dụng nhẹ nhàng ở nhà. Luôn giữ tinh thần thoải mái, tránh áp lực và căng thẳng. Việc tập thể dục là một thói quen tốt. Tuy nhiên, thời gian tốt nhất để tập thể dục là buổi sáng. Tùy theo điều kiện thời tiết, người cao tuổi nên sắp xếp thời gian tập sao cho hợp lý nhất. Những người cao tuổi hiện đang sống ngoài vùng dịch thì không cần phải hạn chế việc đi tập thể dục. Tuy nhiên, theo khuyến cáo, người cao tuổi vẫn nên có những biện pháp phòng hộ như đeo khẩu trang, bảo đảm đủ ấm khi thời tiết lạnh để phòng chống các bệnh lây nhiễm khác ngoài Covid-19.
>> Tham khảo thêm thông tin tại đây nhé.
Theo dõi tình trạng sức khỏe
Người cao tuổi nếu có các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh phổi, bệnh tim mạch, huyết áp. Để hạn chế rủi ro khi không may mắc COVID-19 cần kiểm soát tốt những căn bệnh lý nền này. Cần kiên trì dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ; không tự ý bỏ thuốc; hoặc lo lắng về tình trạng bệnh mà tăng hoặc giảm liều thuốc. Tự theo dõi sức khỏe của bản thân, khi có sự thay đổi nào dù nhỏ hay thoáng qua về sức khỏe phải báo ngay cho người thân để liên hệ với nhân viên y tế. Nếu xuất hiện các dấu hiệu có nguy cơ mắc COVID-19 như sốt, ho, khó thở,… cần đến ngay các cơ sở y tế để phát hiện và khám chữa bệnh kịp thời.
Đối với những người cao tuổi hiện đang mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường; tăng huyết áp; Parkinson. Cần uống thuốc điều trị bệnh thường xuyên, đầy đủ, tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Thực hiện chế độ dinh dưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng.